Bắt đầu và kết thúc

Bắt đầu fic:

Hãy nghĩ ra một cái tên thật sự hấp dẫn, một cái tên sẽ khiến người đọc phải ghi nhớ. Trong các trường hợp mà người đọc đọc quá nhiều fic, họ sẽ rất khó nhớ được tên fic của bạn giữa rất nhiều các fic khác. Vì vậy, hãy thử nghĩ ra những cái tên sẽ gây được ấn tượng ở người đọc. Tôi đã từng gặp nhiều những cái tên như vậy, có những fic mà tuy tôi chưa từng đọc qua nhưng tới giờ tôi vẫn nhớ tên vì tên chúng quá đặc biệt như “For the earth is hollow and I’ve touch the sky”, “I’m not in denial”, “Never no answer” v.v…

Hãy nghĩ ra những cái tên chương hấp dẫn. Điều này sẽ hay hơn rất nhiều là bạn chỉ để “Chương 1”, “Chương 2” v.v… Tuy bạn hiểu rất rõ từng chương của bạn có những gì, nhưng người đọc sẽ rất khó nhớ xem mình đã đọc cái gì ở chương trước chương bạn vừa update khi mà họ đọc quá nhiều fic. Khi họ quay lại fic của bạn sau một thời gian dài, họ cũng sẽ có thể băn khoăn mình đã đọc đến chương nào rồi. Đặt tên cho fic sẽ giúp người đọc đọc được dễ dàng hơn và đến được fic mình cần dễ dàng hơn.

Nếu bạn quan sát nhiều fic bạn có thể phát hiện một điều: Nhiều người viết đã chọn một cách đặt tên chương rất hay là tất cả các tên chương đều theo một quy luật nhất định.

Cũng về vấn đề tên chương, bạn có thể phá vỡ tính bất ngờ và kịch tính của mình chỉ vì cái tên chương đã vui vẻ đi vào vùng đất của “Spoiler”. Đừng bao giờ đặt tên cho chương quá thể hiện rõ rệt nội dung của chương. Nếu bạn đang viết fic về một ai đó, như Hiei chẳng hạn, và bạn đặt tên chương 10 là “Cái chết của Hiei” thì nhiều độc giả sẽ bỏ fic mà đi sau khi lướt mắt tới tên chương đó, dù đã đọc đến chương 4, chương 5.

Đôi khi bạn thường viết một lời giới thiệu ngắn trước fic để thu hút người đọc. Điều này có thể trở thành rất quan trọng khi bạn post truyện lên những nơi chứa nhiều fic. Nó giúp người đọc có được một cái nhìn về truyện đó và quyết định liệu mình có muốn đọc nó hay không. Bạn biết là fic của bạn hay, nhưng người đọc thì không, và có những người một ngày chỉ có thể dành ra một ít thời gian để đọc fic. Rất nhiều người tôi biết, trong đó có tôi, thường bỏ qua những fic khi nó không có lời giới thiệu. Trong lời giới thiệu, đừng làm lộ kết thúc củ. Hãy để câu chuyện của bạn có một chút gì bí ẩn để hấp dẫn người đọc. Thường thì khi gặp một câu chuyện để lộ kết cục ngay từ đầu, người đọc sẽ bỏ qua. Bạn cũng nên hạn chế dùng những từ như “rất bí ẩn”, “kỳ lạ” ở trong lời giới thiệu một cách tối đa trừ phi nó vô cùng cần thiết, nó làm cho người đọc cảm thấy truyện của bạn thiếu sáng tạo và đang đi theo một mô típ quen thuộc.

Ngòai ra, trong phần giới thiệu này, nên hạn chế tối đa thể hiện thái độ thiếu tự tin vào mình. Khi đọc fic trên mạng, tôi gặp rất nhiều lời giới thiệu mà trong đó có những câu như “Tôi biết nó chưa được hòan thiện nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ với các bạn.”, “Đây là fic đầu tay của tôi nên không tránh khỏi thiếu sót”, “Nó rất tệ, nhưng….” V.v… Những câu đại loại như vậy sẽ khiến độc giả quay lưng đi một cách hữu hiệu nhất, bởi nếu ngay cả chính tác giả cũng không thích fic của mình thì độc giả làm sao mà thích đựơc?

Đừng viết những câu thể hiện sự thiếu quan tâm của mình tới fic, như “Fic này chưa kịp trình bày, nhưng tôi đang vội, nên đành để sau vậy”, hoặc “Tôi viết nó lúc 3 giờ sáng, và tôi buồn ngủ muốn chết. Nên có lẽ fic đọc hơi lung tung.” Nếu thực sự bạn bận hoặc không thể chăm chút cho fic ngay lúc bạn post thì hãy dời việc post lại và chỉnh sửa lại fic khi bạn đã có thời gian. Hoặc nếu không ít nhất cũng đừng nói điều đó ra.

Kết thúc của từng chương

Kết thúc của từng chương rất quan trọng, nó là thứ giữ cho người đọc vẫn muốn theo dõi fic của bạn. Chẳng có quy luật nào nhắc tới việc bạn cần phải kết thúc chapter ở đâu, bạn chỉ có thể biết được điều này dựa vào cảm tính cà kinh nghiệm. Tuy nhiên cũng có một lời khuyên là hãy cố kết ở phần có thể tạo ra sự tò mò và chờ đợi. Vấn đề này đối với những tác phẩm dài trên mạng đặc biệt quan trọng. Không giống như một quyển sách, người ta đã mua nó rồi thì dù đọc dang dở nó vẫn ở đó, và người ta vẫn có lúc sẽ nhìn thấy nó. Một tác phẩm trên mạng dễ mất hút trong hàng đống tác phẩm khác, và thế giới rộng lớn của net dễ khiến người ta quên mất mình đã tìm nó ở đâu. Nếu bạn không đảm bảo được tính hấp dẫn của câu chuyện nhất là ở phần kết mỗi chương thì bạn rất dễ để mất độc giả của mình.

Một chuyện kinh khủng vừa xảy ra.. Một nhân vật thường không làm điều này, rồi chợt bất ngờ anh ta làm điều đó. Một người đã mất tích từ lâu bỗng dưng quay trở lại. Hướng giải quyết đã gần kề, chỉ còn một chút nữa thôi. Và rồi chapter kết thúc. Những kết thúc chương kiểu này đặt người đọc trước một câu hỏi ‘cái gì sẽ xảy ra tiếp đó’? Nếu tình huống đủ hấp dẫn thì câu hỏi này sẽ khiến người đọc phải chờ đợi những chương tiếp theo.

Tuy nhiên quá nhiều cái kết gay cấn sẽ làm khó chịu độc giả. Nếu chương nào cũng có một cái kết gay cấn thì điều tất yếu là mạch truyện sẽ có cảm giác đứt quãng. Nếu bạn đã có một hai đoạn kết căng thẳng, và đã thu hút được sự chú ý của người đọc thì đừng ngại chen vào những đoạn kết bình lặng. Những đoạn kết bình lặng sẽ làm điểm nhấn cho những đoạn căng thẳng sau đó, và cũng góp phần làm mạch truyện mượt mà đi.

Điều chú ý là một cái kết thúc chương hấp dẫn chỉ là liều thuốc bổ giúp truyện khỏe mạnh hơn chứ nó không thể là liều thuốc chữa bệnh. Một fic với nội dung không hấp dẫn và một cách thể hiện nhàm chán  dù người viết có thêm vào bao nhiêu cái kết gay cấn thì fic đó vẫn dở. Vì vậy hãy đọc nhiều để thấy những tác phẩm hay kết thúc chương như thế nào và rút ra kinh nghiệm, còn khi viết fic của riêng mình thì hãy để kinh nghiệm đó quyết định kết thúc một cách tự nhiên.

Kết thúc truyện

Kết thúc truyện cần đáp ứng được điều mà truyện hứa hẹn. Nếu bạn đặt câu chuyện của mình là Romance, thì đừng cho nó có một cái kết bi thảm, đừng giết, đừng chia rẽ nhân vật ở đoạn cuối. Bạn có thể bảo đó là câu chuyện của bạn, và bạn muốn làm gì nó cũng được, bạn viết trước tiên là cho mình đã. Dĩ nhiên đó là quyền của bạn, nhưng nếu thế thì đừng đặt truyện vào khu Romance. Một cái kết bi thảm làm cho độc giả khó chịu khi mà họ đã trông chờ vào cái kết hạnh phúc mà từ ‘Romance’ hứa hẹn. Cái kết cũng phải giải quyết những vấn đề và xung đột được nêu ra trong fic. Đừng hứa hẹn một thứ rồi lại đem cho người đọc những thứ khác hẳn. Một điều kỳ diệu, một nhân vật cứu cánh đột nhiên xuất hiện cứu nhân vật chính ở đoạn kết có thể làm hỏng cả câu chuyện vì cái mà độc giả muốn thấy là nhân vật chính, cuộc hành trình anh ta đang đi và những nỗ lực của chính anh ta để giải quyết những trở ngại trên đường.

Ở đoạn kết, những xung đột cần phải được giải quyết một cách hợp lý. Trừ loại kết thúc ‘Never Ending Dream’ ra, không nên đưa một xung đột mới để gây bất ngờ cho kết thúc. Hầu hết các trường hợp nó gây khó chịu hơn là bất ngờ. Nếu có xung đột thực thì nó nên được nhắc tới từ trước đó. Lảng tránh giải quyết xung đột cũng là một lỗi ‘chí tử’. Đừng tìm con đường dễ dàng để đi. Một cô gái con một sau bao nhiêu khó khăn và trở ngại đã quyết định lựa chọn người yêu hơn là cha mẹ mà cô gái đó vô cùng yêu quý. Rồi sau đó không với một chút dằn vặt nào trong lòng, ‘cô gái lên thuyền cùng người bạn đời đi về phía mặt trời, và rồi họ sống hạnh phúc cùng nhau mãi mãi’. Một cái kết như thế sẽ có thể tạo cảm giác không thỏa mãn trong lòng người đọc vì mâu thuẫn không được giải quyết một cách triệt để và cảm xúc của nhân vật rất không thât.

Một cái kết thành công cũng cần phải truyền đạt được cảm xúc. Người viết phải làm sao để người đọc cảm thấy những gì mà nhân vật cảm thấy. Dù mâu thuẫn được giải quyết, nhưng nếu nhân vật như những khúc gỗ vô cảm trong đoạn kết thì người đọc khó mà cảm thấy hài lòng với cách giải quyết mâu thuẫn.

Cái kết phải hợp lý và phù hợp với toàn bộ câu chuyện. Mức độ kịch tính của đoạn kết cần phù hợp với mức độ kịch tính của toàn bộ truyện. Một  đoạn kết quá kịch tính trong một câu chuyện nhẹ nhàng làm đoạn kết đó trở nên giả tạo, và một đoạn kết bình lặng trong một câu chuyện kịch tính làm hỏng toàn bộ chất kịch tính của câu chuyện đó. Độ dài của đoạn kết phải phù hợp với độ dài của chuyện. Một câu chuyện dài 5 trang mà đoạn kết đã chiếm 3 trang thì câu chuyện đó khó có thể tạo cảm giác như một thực thể đầy đủ và thuần nhất. Một câu chuyện dài 20 trang mà cái kết chỉ trong một hai khổ thì đoạn kết đó không tạo được cảm giác quan trọng.

Cuối cùng, sau khi giải quyết kịch tính, ở những câu chuyện dài bạn cần cho người đọc biết thông tin về những gì sẽ xảy ra cho các nhân vật trong tương lai. Tuy nhiên những thông tin này cần được đưa ra chỉ ở mức độ vừa đủ, nếu quá nhiều thì nó sẽ làm giảm hiệu quả của đoạn giải quyết kịch tính. Nó cũng không nên được miêu tả nhiều bằng hành động và tình tiết, vì như vậy nó sẽ dễ lẫn với đoạn giải quyết kịch tính.

Tránh kết thúc bằng những kiểu kết thúc đã quá quen thuộc và đi vào lối mòn. Lấy ví dụ như kết thúc bằng một giấc mơ.

“Tất cả chỉ là một giấc mơ.”

Một số câu chuyện sử dụng giấc mơ như là một cách để kết thúc nó. Đây có thể là một cách hay, nhưng bạn cần nhận ra khi nào thì không nên sử dụng nó. Một giấc mơ kết thúc có thể đem lại sự thú vị cho người đọc, nhưng cũng có thể khiến người đọc cảm thấy hẫng, thấy lãng với kiểu kết thúc này. Một POV fic hoàn toàn không phù hợp với giấc mơ kết thúc, vì thường cốt truyện không đủ để tạo nên tính bất ngờ cho kết thúc kiểu này. Một fic dài như một tiểu thuyết ít khi hợp với giấc mơ kết thúc. Không gì tệ hơn là việc bạn trăn trở, hồi hộp, lo lắng đi cùng với nhân vật trong một chặng đường dài để rồi nhận ra tất cả đều là ảo mộng, và những gì đạt được đều không có thật.

Trong trường hợp bạn sử dụng giấc mơ kết thúc thì có một thủ thuật để tránh đi vào lối mòn là không bao giờ sử dụng từ ‘giấc mơ’. Hãy tìm ra những cách sáng tạo hơn.

“Người mẹ đi vào phòng. Bà kéo chăn đắp cho con và hài lòng khi thấy cô bé đang ôm con gấu bông, một nụ cười làm tươi tắn gương mặt đang say ngủ.

“Cô bật dậy, mồ hôi ướt đẫm trán. Xung quanh căn phòng vẫn tối đen câm lặng.”

Những miêu tả như vậy sẽ giúp kết thúc bằng giấc mơ linh động hơn, và không bị đi vào lối mòn.

Khổ cuối cùng, hoặc câu cuối cùng của truyện rất quan trọng. Làm thế nào để viết đoạn này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bạn, sau đây chỉ là một số kiểu kết mà Kal đã thấy.  Khổ kết có thể được dùng để khơi lại một lần cuối cùng chủ đề hoặc cảm xúc chủ đạo của toàn bộ truyện. Đây là lý do vì sao rất nhiều truyện lãng mạn  kết thúc bằng một đám cuới hoặc nụ hôn. Nó cũng có thể được dùng để giải thích hoặc nhắc lại tên của truyện. Một cách khác là dùng khổ hoặc câu cuối cùng để phản chiếu lại câu hoặc khổ đầu tiên và đưa vào đó những thay đổi mà câu chuyện đã mang lại. Khổ kết cũng có thể được thể hiện đối lập với cảm xúc chủ đạo để mở ra hy vọng trong những câu chuyện angst không có cái kết hạnh phúc. Trong những truyện bao gồm nhiều truyện nhỏ như Ranma hoặc TTKG thì khổ kết có thể được dùng để nói lên rằng dù truyện đã kết thúc, nhưng cuộc sống của các nhân vật vẫn sẽ tiếp tục như vậy.

Dù thế nào thì cũng hãy nhớ rằng: ‘Điểm bắt đầu fic là nơi sẽ quyết định độc giả có đọc fic hay không, và điểm kết thúc fic là nơi sẽ quyết định độc giả có đọc fic tiếp theo của bạ hay không.’ ^_^

1 thoughts on “Bắt đầu và kết thúc”

  1. Ss nói rất chuẩn, em hâm mộ ss quá^^~

Bình luận về bài viết này