Xây dựng nhân vật

Xây dựng nhân vật

Xây dựng nhân vật là một trong những điều quan trọng nhất. Vì vậy phần Xây dựng tính cách nhân vật và hội thoại có thể sẽ được nói khá dài.

.

Vẻ ngoài nhân vật

Những đìều đáng miêu tả

Bạn đang viết fan fiction? Vậy bạn cần nhớ là người viết đã biết rõ về hình dáng nhân vật của bạn viết, vì vậy bạn không cần phải dành cả khổ để miêu tả lại điều hiển nhiên mà cả bạn và người đọc của bạn đều đã rõ. Hãy chỉ viết những điều bất ngờ. Hãy chỉ miêu tả màu tóc của Kurama nếu mái tóc đó đã trở nên hoa râm, hoặc Kurama đã nhuộm tóc, chứ chẳng mấy ai không biết rằng tóc Kurama màu đỏ, kể cả những người chỉ đọc truyện tranh đen trắng!  Cũng như vậy hãy chỉ miêu tả sâu một nhân vật nguyên bản nếu nhân vật đó có điểm gì đáng chú ý, chứ cả nửa trang chỉ để miêu tả một người mặc áo đồng phục đen trắng, với tóc đen dài và đeo kính tròn thì sẽ tạo cảm giác buồn chán ngay.

‘Hiei bước vào phòng. Đó là một yêu quái lửa cỡ người không cao lắm, mặc một chiếc áo choàng đen với cái kiếm dài đeo ngang hông. Một dải băng trán che con mắt thứ ba dưới những lọn tóc đen trắng lẫn lộn.

Đoạn văn trên hoàn toàn không cần thiết vì người đọc đã có khái niệm Hiei trông như thế nào, và một đoạn miêu tả những điều không mới mẻ sẽ chỉ đem lại cảm giác tẻ nhạt. Hãy chỉ giữ lại một đoạn văn miêu tả hình dáng nhân vật nếu như nó đem lại điều gì đó khác thường.

‘Hiei bước ra ngòai phố. Bộ quần áo con người quá khổ khiến cậu phải xắn gấu áo và quần lên, tuy vậy trông vẫn luộm thuộm. Những màu sắc trắng và xanh biển đối lập hoàn tòan với màu đen bình thường. Thanh kiếm không còn đeo bên hông nữa, có lẽ vì vậy mà vẻ đe dọa và khó gần thường ngày biến mất. Nếu không vì giải băng che chán và mái tóc hai màu thì cậu trông hòan tòan giống một cậu bé loài người. Nhất là khi những tia nhìn dữ dội trong mắt cậu đã nhường chỗ cho một thoáng dịu dàng.’

Đoạn miêu tả trên cho ta biết những điều khác thường trong diện mạo của Hiei, nó trở thành một phần không thể thiếu được của câu chuyện và giúp người đọc hình dung được câu chuyện.

Tuy vậy, dù là fanfiction hay truyện nguyên bản thì một đoạn miêu tả dù hay thế nào cũng dễ trở nên nhàm chán hoặc bị người đọc bỏ qua nếu nó chỉ thuần là miêu tả. Để một đoạn miêu tả trở nên hấp dẫn, nó cần phải được xen vào bởi hành động, cảm xúc hoặc giải thích. Hình ảnh rất cần thiết, nhưng nó chỉ đáng giá khi mà chúng ta chọn những hình ảnh sẽ là điểm nhấn cho tình tiết, tạo không khí truyện hoặc góp phần xây dựng tính cách nhân vật. Cũng đoạn văn trên có thể viết như sau:

‘Hiei buớc ra ngòai phố, cáu kỉnh nhìn ống tay áo kiểu con người dài luộm thuộm mà Kurama bắt cậu mặc. Dù đã xắn cả gấu quần gấu áo lên nhưng chúng vẫn vướng víu kinh khủng. Giả sử có kẻ nào tấn công cậu lúc này thì cậu không biết phải xoay sở thế nào nữa. Hiei liếc xuống người và nhăn mặt, màu trắng và xanh nổi bật sẽ chẳng giúp cậu ẩn mình được trong đêm. Có tiếng động sau lưng, cậu giật mình đưa tay lên đốc kiếm, rồi ngớ người ra và rủa thầm con cáo ngu ngốc đã nhất quyết bắt cậu phải bỏ kiếm lại nhà. Yêu khí tăng nhẹ, cậu quay ngoắt lại, nhưng đó chỉ là Kurama và Yukina. Yukina mỉm cươi, và bao nhiêu tia nhìn dữ dội trong mắt cậu đều tan biến, thay vào đó là một thoáng dịu dàng.

Ở đằng sau, Kurama cười nhẹ. Ngay cả với giải băng che chán và mái tóc hai màu trông Hiei lúc này vẫn giống một cậu bé con người đến lạ lùng. Không may, Hiei phát hiện ra nụ cười đó và lừ mắt nhìn yêu cáo, hứa hẹn một cái chết chậm chạp và đau đớn.’

Cũng là những miêu tả như trên, nhưng ở đây có thêm hành động và lời kể. Đoạn miêu tả này đã bắt đầu khắc họa tính cách của Hiei như ghét đồ con người và luôn luôn cảnh giác, đồng thời cũng cho phép một cái nhìn thoáng qua về mối quan hệ giữa Hiei và Kurama, Yukina.

Bạn cũng có thể miêu tả nhân vật hoàn toàn dưới góc nhìn của một nhân vật khác, thậm chí không phải bằng lời kể. Miêu tả bằng cách này tránh nhàm chán, mà lại thể hiện được cả góc nhìn của nhân vật thứ hai. Đây cũng là một cách miêu tả nhân vật rất tốt.

‘Kurama bật cười. “Tớ khó khăn lắm mới bắt cậu ấy mặc quần áo con người đấy! Trời ạ, lúc đó cậu ấy trông đến là tội nghiệp, cứ nhìn mấy cái ống tay áo luộm thuộm mãi như thể chúng là quái vật vậy. Ừ thì tớ chọn không kỹ, nhưng mà tớ thích bộ quần áo xah trắng ấy mà chúng lại không có cỡ nhỏ vừa với người Hiei. Nó làm Hiei trông giống hệt một cậu bé con người.”

“Hẳn nào mà hôm nay Hiei cứ nhìn cậu như muốn ăn tươi nuốt sống vậy!” Yuusuke nhận xét.

“Không phải là vì bộ quần áo đâu, mà vì tớ bắt cậu ấy vứt kiếm lại nhà.”’

Miêu tả những điều đáng miêu tả còn là tránh những hình ảnh ‘xưa như trái đất’. Chúng chỉ hữu dụng trong hòan cảnh duy nhất đó là miêu tả những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua, còn nói chung chúng gây bực bội hơn là làm cho người ta cảm thấy thú vị.

Hình ảnh so sánh trong miêu tả.

Hình ảnh so sánh rất hay được dùng trong miêu tả nhân vật. Hình ảnh so sánh giúp người đọc hình dung rõ nhất hình dáng nhân vật, nhưng hãy cẩn thận với những hình ảnh so sánh.

Sự không chính xác trong hình ảnh so sánh là điều cần tránh nhất. Người viết có thể quá lậm một hình ảnh và dùng hình ảnh ấy để miêu tả nhân vật mà không để ý rằng nó đối lập với một miêu tả trước đó. Một đôi mắt màu tím không thể rực lửa dù có phản chiếu ánh hoàng hôn màu máu. Một mái tóc chỉ dài tới ngang vai thì không thể mượt mà như một dòng sông êm đềm.

Quá lạm dùng hình ảnh so sánh là lỗi tiếp theo. Nếu là nói cùng về một vấn đề thì rất dễ làm loãng hiệu quả của từng hình ảnh so sánh. Bạn có thể nghĩ ra rất nhiều sắc xanh tuyệt đẹp cho mắt Kurama: màu xanh trong veo, màu xanh ngọc, màu xanh mượt mà v.v… nhưng nếu bạn dùng quá nhiều màu xanh miêu tả mắt Kurama trong cùng một truyện thì hoặc là người đọc sẽ thấy Kurama có quá nhiều mắt hoặc những sắc xanh ấy pha trộn với nhau và trở thành một sắc xanh bình thường. Nếu là những hình ảnh khác nhau… well, nếu trong cùng một đoạn miêu tả sắc đẹp của một cô gái mà toàn bộ câu nào cũng là hình ảnh so sánh thì người ta sẽ sớm thấy cô gái đó đúng là một kỳ quan di động!

Sự cụ thể trong hình ảnh miêu tả sẽ thu hẹp phạm vi những tưởng tượng của người đọc về gần với hình ảnh mà ta muốn thể hiện nhất.

‘Cô ấy có ánh mắt của một con chim hoang dã.’ ‘Kay. Đó là một so sánh đắt giá. Nhưng con chim hoang dã đó là con chim nào? Đại bàng hay cú, hay chim lợn?

‘Anh sấn tới, hung dữ như một con thú dại.’ Um… Thế con thú dại đó là sư tử, là cáo hay là lợn lòi?

Hẳn bạn cũng thấy cùng là một loại chung về hình ảnh so sánh, nhưng ánh mắt giống đại bàng thì hoàn toàn khác với ánh mắt giống cú. Và vẻ hung dữ của sư tử sẽ tạo ấn tượng chẳng giống gì với vẻ hung dữ của cáo hoặc lợn lòi.

Cuối cùng, một hình ảnh so sánh hay đắt giá hơn nhiều lần là một khổ miêu tả. Độ dài không tỷ lệ thuận với độ hay trong miêu tả. Hẳn chúng ta vẫn nhớ câu thơ: ‘Lá rơi rất khẽ như là rơi nghiêng’?

Sự chính xác

Trong khi viết, bạn cần nhớ những miêu tả về hình dáng nhân vật của mình. Thật là tệ hại nếu nhân vật được miêu tả là tóc ngắn mà sau đó chục trang nhân vật lại đang chải mái tóc dài mượt mà của mình. Sự chính xác về hình dáng rất cần thiết, những thay đổi nhỏ về quần áo, trang phục không cần thiết phải nhắc tới trừ phi quãng thời gian giữa một miêu tả và thay đổi không đủ để thay đổi xảy ra. Thay đổi lớn về diện mạo cần được nhắc tới và giải thích hợp lý.

Sự chính xác trong fanfic không chỉ nằm ở đó.

Hãy chú ý đến sự khác biệt về cỡ người và tuổi tác của nhân vật. Kurama cao hơn Yusuke, và bạn không thể lầm lẫn điều đó chỉ vì trong fic của bạn Yusuke là seme. Tuy vậy, nếu Kurama đứng ôm Yusuke từ đằng sau thì Kurama chắc chắn không thể dựa cằm lên đầu Yusuke. 7 cm khác biệt về chiều cao là quá ít để cho phép điều đó xảy ra. Cùng trong tình huống đó, Youko Kurama cao hơn Hiei chắc chắn nhiều hơn Kurama cao hơn Yusuke, nhưng Youko Kurama cũng không thể dựa cằm lên đầu Hiei, bởi 66 cm khác biệt về chiều cao là quá nhiều để điều đó có thể xảy ra.

Đừng để những ấn tượng thoáng qua làm bạn lầm lẫn. Trong HunterxHunter, Gon và Killua đều rất thấp phải không? Nhưng nếu bạn nghĩ họ là trẻ con và họ cao đến khoảng thắt lưng những người bình thường thì hãy coi chừng, bởi lúc đó những người bình thường của bạn sẽ đều cao khoảng 2 m rưỡi. Killua cao gần 1m 6 đấy ^^

Tính cách nhân vật

Điểm xuất phát

Tính cách nhân vật phải là điểm xuất phát chứ không phải sự kiện. Bạn cần coi một nhân vật là một thực thể với toàn bộ tính cách chứ không phải là chỉ một phần tính cách. Một lỗi cơ bản và thường gặp nhất là người viết đặt ra một sự kiện, sau đó phát triển tính cách nhân vật xung quanh sự kiện đó. Đúng là có những sự kiện sẽ ảnh hưởng lên tương lai và tính cách con người, nhưng không phải tương lai và tính cách con người hoàn toàn dựa trên một sự kiện. Trong một fic Hunter với cặp chính là Kuroro và Kurapika, sự kiện chính là Kuroro giết Kurapika, sau đó người viết để Kuroro đau khổ, điên loạn, ảo tưởng v.v… Ay. Kuroro có thể đau khổ, nhưng một người như Kuroro khi đã quyết định giết Kurapika thì hẳn đã phải giải quyết xong những xung đột trong lòng mình rồi. Vật vã, điên loạn, ảo tưởng, đó là những cách chạy chốn thực tại. Đau khổ có thể có nhiều cách, nhưng một người như Kuroro sẽ chọn con đường đối mặt với đau đớn hơn là chạy chốn nó.

Cũng như vậy, một hình ảnh, một hành động thể hiện cho nhân vật phải lấy tính cách nhân vật làm điểm xuất phát chứ không phải xây dựng tính cách nhân vật dựa trên hình ảnh, hành động đó. Một cái kiếm đẫm máu có thể thể hiện sự khát máu của một chiến binh, nhưng không nên lạm dụng mà để cho chiến binh đó lúc nào cũng đem cái kiếm đẫm máu trên người. Bất cứ ai sử dụng vũ khí cũng sẽ lau chùi vũ khí của mình. Và với tính cách của một chiến binh anh ta sẽ máu trên cái kiếm. Well, một cái kiếm đẫm máu trông rất hay, nhưng máu sẽ làm cho kiếm rỉ. Và một cái kiếm rỉ thì trông chẳng hay chút nào.

Một hành động nhất định thường gây ra một ấn tượng nhất định trong đầu người viết, nhưng hãy tưởng tượng ra nhân vật làm hành động đó trong đầu mình trước khi viết. Áp dụng hành động lên nhân vật vì hành động như thế mới thể hiện được điều mình muốn nói sẽ đem đến những lỗ hổng trong chuyện.

‘Hisoka hai bàn tay xòe che kín mặt.’ Oh well, nếu là một bàn tay thì bạn sẽ được một hành động rất Hisoka, nhưng dù tôi có tưởng tượng hai bàn tay Hisoka che mặt kiểu gì, theo hướng nào thì cái kết quả mà tôi đạt được cũng khiến tôi nhăn mặt.

‘xuất hiện 1 người đàn ông đang ngồi quay lưng về phía màn hình, hai tay đan chéo nhau.’ Uh… Thời buổi này liệu có ai không mua nổi một cái ghế tựa để ngồi trước máy vi tính? Mà với cái tựa đó thì làm sao bạn nhìn thấy được hai tay đan chéo nhau, trừ phi ông ta ‘hai tay đan chéo nhau sau gáy’. Nhưng cái hành động đó lại hòan tòan không diễn tả được sự uy nghiêm của người đàn ông này. Nếu ông ta không ngồi trên ghế tựa và hơi ngồi hơi chếch với màn hình thì có thể ta sẽ thấy được hai tay, nhưng mất đi ấn tượng về sự thoái mái dựa vào cái tựa thì cũng mất đi ấn tượng về sự ung dung và vị thế ‘trên’.

‘Kanfu quất roi tới tấp vào người Illumi….Bốn quân bài từ đằng sau lao vút tới cắm ngập vào vai và ngực.’ Thở dài. Không biết tôi đã choáng bao nhiêu lần mỗi khi đọc lại những câu mình viết. Dù làm thế nào tôi cũng không hình dung được Hisoka ném quân bài theo kiểu boomerang, và nếu nhà ảo thuật có làm thế thật thì tôi cũng không thể hình dung được nó lại không văng vào người Illumi trước khi văng vào nạn nhân của anh ta.

Đối lập với lỗi sai về điểm xuất phát là lỗi cứng nhắc trong việc giữ đúng tính cách nhân vât. Một nhân vật luôn như thế này không có nghĩa là anh ta sẽ chỉ như thế này. Kurapika có thể lúc nào cũng giữ gương mặt cô độc và u sầu, nhưng khi ở bên cạnh bạn mình và nghĩ rằng Ryodan đã chết, cậu ta đã cười một nụ cười thực sự. Cứng nhắc trong xây dựng tính cách nhân vật cũng tệ như khi bạn tạo một nhân vật không khiếm khuyết.

Động lực:

Động lực rất quan trọng trong việc hình thành tính cách nhân vật. Mỗi người khi theo đuổi một điều gì đó đều có lý do và mục đích của mình. Lý do, mục đích đó sẽ quyết định cách và sự nhiệt tình của người đó đối với công việc mà người đó theo đuổi. Đối với nhân vật cũng vậy, động lực không chỉ quyết định con đường mà nhân vật sẽ đi, động lực cũng quyết địch cách mà họ giải quyết những vật cản trên con đường đó.

Thường thì có các loại động lực chính sau:  Tình yêu, thù hận, ăn năn, ganh đua, trách nhiệm, danh vọng, sống sót, lý tưởng, tham lam.

Cùng là một hoàn cảnh, nhưng động lực có thể rất khác nhau, và tất yếu sẽ dẫn tới những hướng truyện khác nhau.

Ariel là một cậu bé mù mồ côi cả cha lẫn mẹ và đang sống một mình. Cuộc sống rất khó khăn vì cậu chỉ biết chơi violon và khoản lợi tức hàng năm cha để lại quá ít ỏi. Một ngày kia, Vallay, một chàng trai từ nơi khác tới bắt gặp cậu, và quyết định sẽ giúp đỡ cuộc sống của cậu. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh việc này, vậy cái gì đã thúc đẩy Vallay đi vào cuộc sống của một người không quen biết?

Nếu đằng sau khoản lợi tức kia là một gia tài đồ sộ mà Ariel là người thừa kế hợp pháp chưa được tìm ra, và Vallay vô tình biết tới điều này thì anh ta có thể làm thân với Ariel vì số tiền kếch sù. Các hành động tốt đẹp của anh ta có thể là được sắp đặt để dành sự tin tưởng của Ariel.

Ariel không bị mù bẩm sinh mà do một tai nạn gây ra, và Vallay là người chịu trách nhiệm thì anh ta giờ đây đến bên cạnh Ariel vì muốn chuộc lại tội lỗi của mình. Cả câu chuyện có thể tràn đầy sự hối hận, và tiềm năng cho cái kết là sự tha thứ của Ariel.

Em gái của Vallay sắp chết, và anh ta biết chỉ có trái tim của Ariel là hợp với cô bé. Không khí truyện sẽ trở nên căng thẳng trong nỗ lực sống còn của Ariel chống lại Vallay.

Vallay có thể thích Ariel ngay từ cái nhìn đầu tiên, và khao khát muốn bảo vệ cậu bé ấy. Vậy thì câu chuyện sẽ là tràn ngập những sự dịu dàng và những nỗ lực muốn đưa Ariel trở lại xã hội.

Vallay có thể là một người yêu âm nhạc đến mức cuồng nhiệt. Anh ta có thể nhìn thấy tài năng mà anh ta không có ở Ariel và quyết tâm nuôi dưỡng tài năng ấy. Động lực ở đây là lý tưởng. Tuy nhiên sự giúp đỡ có thể nghiêng về mặt vật chất hơn là tình cảm.

Một nhân vật có thể có nhiều hơn một động lực để anh ta quyết định theo đuổi một công việc nào đó, nhưng nhất định anh ta phải có ít nhất một động lực. Không có động lực nào, cũng có nghĩa là sự buồn chán và trống rỗng cũng có thể khiến người ta làm một điều gì đó, nhưng những điều này rất giới hạn.

Ảnh hưởng nhiều nhất đến động lực là hy vọng và sự căng thẳng. Khi tình huống vô cùng cấp bách thì nhân vật sẽ có xu hướng đâm đầu vào vấn đề như có lửa cháy sau lưng. Khi một sự việc có thể đạt được trong tầm tay thì nhân vật sẽ có xu hướng vừa vội vã, vừa cẩn thận trong từng bước tiến.

Động lực của mỗi nhân vật nếu trải qua một khoảng thời gian dài cần được củng cố. Một nhân vật có thể đi tìm kiếm một báu vật với một mục tiêu cao cả là cứu dân tộc mình. Nhưng mười chương sau nhân vật vẫn chưa tìm thấy, nhân vật làm đủ mọi cách để đạt được vật đó trong hòan cảnh không có một lời văn, một suy nghĩ nào quay trở lại mục đích đó thì ấn tượng và cảm tình của người đọc về mục tiêu cao cả kia có thể mờ nhạt dần. Đó là chưa kể việc chuyển sang ác cảm với phương thức ‘không từ thủ đoạn nào’ của nhân vật. Cũng như vậy, dù nhân vật có vì đất nước thế nào thì nếu mười năm sau nhân vật vẫn chưa tìm được người đọc sẽ tự hỏi sau một thời gian dài như thế liệu cái dân tộc cần cứu có còn tồn tại hay không, và liệu cuộc tìm kiếm này có hơi vô lý.

Trong trường hợp này động lực của nhân vật cần được củng cố bằng hồi ức, suy nghĩ nội tâm hoặc thông tin bổ sung. Có thể là cho nhân vật nhận được tin báo tình hình ở quê nhà đang ngày càng trở nên cấp bách chẳng hạn.

Mục tiêu của nhân vật cần được phân biệt với mục tiêu của người viết. Bạn cần nhân vật làm một điều gì đó thì điều đó phải là do nhân vật cảm thấy cần phải làm chứ không phải do bạn cảm thấy nhân vật làm điều đó sẽ giúp phát triển mạch truyện. Giả sử bạn để Kuroro giết Kurapika, vậy lý do cho điều đó là gì? Bắt đầu câu chuyện với tình tiết đó một cách hiển nhiên và đi sâu vào tâm lý Kuroro  ngay lập tức nghĩa là bạn đã để Kuroro làm một việc theo mục tiêu của bạn chứ không phải theo mục tiêu của mình.

Một ví dụ về sự nhầm lẫn giữa mục tiêu của tác giả và mục tiêu của nhân vật là truyện Detective Conan (Xin lỗi các fan của Conan). Mục tiêu của tác giả là Conan đã tìm ra được thủ phạm, và thủ phạm cần nhận lỗi và giải thích lý do phạm tội của mình. Nhưng mục tiêu của thủ phạm lại là che dấu hết mức có thể tội lỗi ấy. Trong truyện Detective Conan có rất nhiều vụ án khi mà Conan đưa ra một vài lý luận, một vài chứng cớ thì thủ phạm đã ‘hùng dũng’ đứng lên nhận tội ngay trước mặt mọi người. Nhưng trong thực tế, nhiều thủ phạm sẽ chọn cách giữ im lặng trong hòan cảnh đó, và cảnh sát sẽ chỉ còn tay anh ta mà nói ‘Anh có quyền giữ im lặng’, bởi vì nhiều trường hợp bằng chứng sờ sờ ra đấy một luật sư giỏi vẫn có thể gỡ cho bị cáo trắng án chỉ cần anh ta chưa nhận tội.

Động lực một chiều.

Đó là khi nhiều nhân vật đều tiến về một cái đích, và mục tiêu của họ đều đều tương tự như nhau. Điều này thường gặp trong những chuyện mà phe tốt cùng đồng tâm hợp lực để chống lại phe xấu.

Alpha căm hận đại ác ma vì hắn đã sát hại gia đình anh và tàn phá quê hương anh.

Beta căm hận đại ác ma vì hắn đã giết người bạn thân nhất của anh.

Delta căm hận đại ác ma vì hắn đã làm hại cả gia tộc cô, khiến cô phải trải qua một tuổi thơ bơ vơ đầu đường xó chợ.

Gamma căm hận đại ác ma vì hắn giữ cả làng anh làm nô lệ, và đã giết cha anh, người tộc trưởng.

Epsilon căm hận dại ác ma vì hắn giam hãm người yêu anh trong một khối băng, đưa nàng vào cảnh sống dở chết dở không thoát ra được.

Có thể cả năm người có những tính cách khác nhau, nhưng động lực của họ từa tựa như nhau, và như vậy hành động cụ thể có thể khác nhau nhưng tất cả sẽ có cùng chung một xu hướng giải quyết vấn đề. Sự đối lập và linh hoạt không nhiều. Để đem lại sự thú vị cũng như tính thực tế thì mỗi nhân vật cần có mục tiêu riêng của mình.

Alpha căm hận đại ác ma vì hắn đã sát hại gia đình anh và tàn phá quê hương anh. –> Anh muốn giết hắn càng đau đớn càng tốt, và toàn bộ những kẻ theo hắn cũng phải trả giá. Anh coi Gamma như một kẻ vô công rồi nghề vô dụng.

Beta ghét đại ác ma không phải vì anh có thù oán gì với hắn mà vì anh là một cha xứ, và một cha xứ có nghĩa vụ phải chống lại cái ác. –> Anh không hài lòng với cách Alpha chiến đấu. Anh muốn tiêu diệt gốc rễ của tội ác, nhưng anh muốn cho những kẻ theo hắn cơ hội để phục thiện.

Delta chống lại đại ác ma vì cô yêu Alpha, và cô sẽ chiến đấu vì anh. –> Delta có xu hướng đi theo để bảo vệ Alpha hơn là tìm cách giết đại ác ma. Cô ghét Epsilon vì Epsilon hay phản đối Alpha.

Gamma đi theo họ chỉ đơn giản vì anh ta là một người ham thích phiêu lưu và sự nguy hiểm. –> Anh ta có thể không để tâm vào cuộc chiến và có thể rời bỏ nhóm trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng nhất.

Epsilon theo đuổi cuộc chiến vì anh có những toan tính riêng muốn hấp thụ sức mạnh của đại ác ma. –> Anh ta không thích cách tấn công trực diện mà ưa đột nhập vào đại bản doanh của đại ác ma và tìm điểm yếu của hắn. Epsilon muốn loại trừ Gamma vì Gamma hay nhúng mũi vào chuyện của mình.

Sự đa dạng trong động lực sẽ dẫn tới sự đa dạng trong cách xử lý tình huống của mỗi người, và mức độ tình cảm với cùng một vấn đề của mỗi người. Nó cũng là nguồn gốc cho những sự đối lập trong dàn nhân vật. Nhờ đó mà người viết có thể phát triển ra thêm nhiều cảnh phụ phong phú mà không gây nhàm chán vì chúng toàn giải quyết những việc giống nhau.

Trong fanfiction, một mối quan hệ giữa hai nhân vật có thể đã được định hình sẵn. Người viết rất dễ nhầm lẫn động lực của nhân vật vì mối quan hệ này.

Kurapika và Kuroro được đặt vào mối quan hệ tình yêu/thù hận. Vậy cái gì đã chia rẽ họ. Câu trả lời đương nhiên là hận thù. Tuy vậy hận thù không phải là lý do ngăn cản họ đến với nhau của cả hai người.

Trong HunterxHunter, mối liên kết giữa các thành viên của Ryodan rất mạnh, nhưng họ lại sống trong sự sẵn sàng lúc nào cũng có thể mất người đồng đội ngày hôm qua còn ở cạnh mình. Vì vậy mới có quy luật giết một người của Ryodan để trở thành một người của Ryodan. Nếu như vậy tại sao họ lại muốn giết Kurapika? Không phải vì Kurapika đã giết thành viên của họ, mà vì Kurapika đe dọa sự tồn tại của Ryodan. Như vậy trong khi hận thù là lý do ngăn cản Kurapika đi theo tình yêu thì đối với Kuroro đó là trách nhiệm.

Động lực một chiều cũng rất dễ gặp ở những nhân vật phản diện. Là phe xấu, cho nên mục tiêu của hắn cũng xấu. Hoặc hắn muốn chinh phục thế giới, cho nên mục tiêu của hắn là chinh phục thế giới. Những nhân vật một chiều này trước đây có thể gây thú vị nhưng bây giờ thì đã quá nhàm chán. Ngay cả những kẻ độc ác nhất vẫn có thể có một mục tiêu nào đó tốt đẹp, dù mờ đi so với mục tiêu độc ác kia. Ngay cả một kẻ điên cũng có những logic và mục tiêu điên rồ của mình. Có thể đó không phải là động lực chính, nhưng một mục tiêu khác đi dù nhỏ như thế nào cũng giúp nhân vật trở nên phức tạp hơn và thú vị hơn.

Ngay cả nếu như bạn xây dựng một nhân vật phản diện xấu thoàn toàn thì những thuộc hạ của hắn vẫn cần phải có cả hai mặt tốt xấu. Chính những thuộc hạ này sẽ làm người đọc bỏ qua tính cách một mặt của nhân vật phản diện kia. Còn nếu không thì… well, một tên trùm xấu hoàn toàn chỉ vì tính cách của hắn đương nhiên là xấu đã khó tìm, nói gì đến cả một đám đông thuộc hạ của hắn.

Vai trò của khiếm khuyết

Những nhân vật hấp dẫn là những nhân vật không hoàn thiện. Không có gì buồn chán hơn là một Mary Sue. Bất cứ một ai cũng đều có khiếm khuyết. Chúng ảnh hưởng lên tính cách nhân vật. Và tính cách nhân vật tạo nên khíem khuyết. Nếu bản tính của nhân vật là không bao giờ cho ai biết con người thật của mình thì khiếm khuyết của họ có thể là luôn nói dối để bảo vệ bản thân. Hành động này làm nổi bật tính cách luôn muốn dấu mình. Khiếm khuyết có thể thay đổi tính cách. Một nhân vật mạnh mẽ nhưng đôi khi nói lắp bắp nếu căng thẳng có thể trở thành một nhân vật yếu đuối và luôn căng thẳng. Đìeu này có thể xảy ra bằng nhiều cách, như dùng những nhân vật khác nhạo báng thói quen nói lắp bắp của nhân vật này, như để thói quen nói lắp bắp làm nhân vật mất đi một cơ hội lớn, hoặc để chính nhân vật lặp đi lặp lại trong đầu rằng anh ta thật bất tài trong khi anh ta nói lắp bắp. Ở đây khiếm khuyết đã dần thay đổi tính cách nhân vật. Ngược lại, một nhân vật yếu đuối thường xuyên nói lắp bắp sẽ ít nói lắp bắp hơn khi anh ta trở nên mạnh mẽ.

Một nhân vật không khiếm khuyết không chỉ là một nhân vật tốt đẹp, một nhân vật phản diện cũng rất dễ rơi vào bi kịch này. Không biết bạn nghĩ thế nào chứ đối với tôi thì một nhân vật không khiếm khuyết đúng là một bi kịch đối với một tác phẩm. Những nhân phản diện chỉ toàn ác độc và giữ một vai trò duy nhất là thúc đẩy câu chuyện và tôn nhân vật chính lên, một nhân vật phản diện như thế thật buồn chán, vì dù người ta độc ác tới đâu thì người ta cũng có những điểm sáng trong tâm hồn. Người đọc có thể bỏ qua không quan tâm tới những lỗi này, nhưng cũng có nhiều người đọc không thấy hài lòng. Như Harry Potter, tác phẩm hòan toàn thành công với nhân vật Voldermort, nhưng tuy vậy vẫn xuất hiện nhiều doujinshi, fic đi sâu vào nội tâm của Tom Riddle trước khi anh ta trở thành Voldermort.

Nhưng khi áp dụng những điểm không hoàn thiện cho nhân vật thì đừng quá lạm dụng nó. Khiếm khuyết vừa phải sẽ khiến nhân vật thật hơn. Nhưng quá nhiều khiếm khuyết họac khiém khuyết được nhấn quá mạnh sẽ khiến người đọc thấy khó chịu với nhân vật. Cho dù một người có hay nói lắp bắp thế nào thì anh ta cũng không thể lúc nào cũng nói lắp bắp. Và nếu để cho một nhân vật nói lắp bắp từ đầu tới cuối câu chuyện thì độc giả sẽ không nghĩ là anh ta yếu đuối, mà sẽ nghĩ là anh ta bị ấm đầu. Khiếm khuyết có thể phát triển tính cách nhân vật, cũng có thể làm nó thất bại thảm hại, điều quan trọng là cách nguời viết sử dụng chúng.

Sự thuần nhất và sự phát triển

Thất bại trong việc xây dựng tính cách nhân vật là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một fanfic. Khi viết fanfic, bạn sử dụng những nhân vật đã được định hình rất rõ trong đầu độc giả của bạn. Những nhân vật đó có những tính cách, những sở thích, thói quen v.v… đã được định sẵn và người đọc đã quen rằng những điều này thể hiện cho họ. Nếu bạn viết một câu chuyện mà người đọc khi đọc sẽ nghĩ “Nhân vật A này sẽ không bao giờ làm như vậy” thì bạn đã thất bại trong việc xây dựng tính cách nhân vật.

Nếu bạn viết một đoạn hội thoại kiểu như sau:

Killua nhấc con thú nhỏ lên. “Chúng ta làm gì với nó đây?”
Gon phẩy tay. “Giết quách nó đi cho rảnh nợ.”

thì bạn đã thất bại một cách thảm hại.

Giữ đúng tính cách nhân vật không phải chỉ cần thiết ở trong fanfiction mà ngay cả ở fiction. Người viết nghĩ nhân vật là của riêng mình, vì vậy mình phát triển nhân vật như thế nào cũng được. Tuy nhiên tất cả mọi hành động, lời nói, thái độ của nhân vật đều phải phù hợp với tính cách mà người viết đã đặt ra.

Một lỗi trong vi phạm tính cách nhân vật dễ gặp nhất là sử dụng sai ngôn ngữ cử chỉ. Những hành động đưa vào chỉ để làm sự việc không cứng nhắc đôi khi không được cân nhắc kỹ như những hành động chính. Xin đọc thêm phần Ngôn ngữ cử chỉ ở phía duới.

Vi phạm tính cách nhân vật cũng thường gặp trong việc xử lý thông tin không khéo. Người viết cần đưa một khối thông tin cho độc giả, nhưng đưa thông tin bằng lời kể tạo cảm giác nhàm chán nên người viết để một nhân vật kể tòan bộ khối thông tin đó. Làm điều này không phải là không thể, nhưng chỉ với những nhân vật có tính cách phù hợp và trình độ hiểu biết phù hợp. Khác đi cũng có nghĩa là tính cách nhân vật đã bị vi phạm.

“Rất khó, bởi lược đồ này không được cập nhập dữ liệu chính xác đến từng giây, lúc đi cũng không dám chắc là đi theo 1 hướng nguyên không đổi, nên cách duy nhất chỉ có thể dựa trên cơ sở dữ liệu từ vệ tinh mà tôi thu được thôi . Điều đáng nói là tất cả sóng điện mà tôi phóng ra đều bị nhiệu hoặc dội ngược lại. Điều này vốn là không thể, vì để lập được 1 tường chắn bằng nen hoàn hảo thế người điều khiển bắt buộc phải phủ nen từ dưới mặt đất. nghĩa là ở đâu đó nằm trong bán kính vòng tròn này. Như thế cũng đồng nghĩa với việc lực nen sẽ bị yếu ở phía trên đỉnh và không tránh được việc có lỗ hổng giúp sóng điện chui qua, nhưng …” – Leorio.

Well, phải nói là tôi rất ấn tượng về những thông tin được truyền đạt ở đây. Lối hành văn cũng làm tôi ấn tượng về tính học thức của nó. Nhưng trong cả chapter truyện lúc nào tôi cũng băn khoăn không biết đây có phải là Leorio hoàn toàn không nhận ra điều gì bất thường trong cuộc sát hạch với gia đình người thú, không hiểu nổi câu hỏi lựa chọn của vị giám khảo và chọn sai hướng trái phải trong cuộc thi HunterxHunter không.

Một điểm cần nhớ là tính cách nhân vật không phải chỉ nằm ở những đoạn miêu tả về tính cách. Tính cách nhân vật còn cần được giữ đúng với những thông tin cá nhân mà bạn đã xây dựng cho nhân vật đó. Một người học hành đầy đủ ngồi lên một chiếc máy bay vẫn khó mà lái được chiếc máy bay đó nếu chưa học lái máy bay bao giờ. Thế mà có những chuyện lại cho vị nhân vật chính ‘anh hùng’ vốn chỉ là dân trong trại lao động không học hành đầy đủ bỗng dưng vớ được một con robot, hoặc một phi thuyền và đánh thắng cả robot của đối phương vốn được điều khiển bởi những quân nhân chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, tính cách nhân vật được xác định chứ không phải được cố định ở đầu truyện hoặc trong truyện chính. Giống như người thật, tính cách nhân vật có thể phát triển và thay đổi. Nhất là đối với những câu chuyện dài, khi kết thúc cần phải có cái gì đó thay đổi. Người viết thường chú ý tới những thay đổi về hình dáng, quan hệ, địa vị mà quên mất rằng tính cách cũng giống như câu nói ‘Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông’. Sự phát triển về tính cách không rõ rệt nếu câu chuyện diễn ra trong một vài ngày, nhưng nếu câu chuyện diễn ra trong một vài năm thì kinh nghiệm sống sẽ làm tính cách thay đổi ít nhiều.

Bạn có thể thấy rõ việc để tính cách một nhân vật không thay đổi trong suốt quá trình truyện trong các bộ anime nổi tiếng như Dragon Ball và Sailor Moon. Tôi không phủ nhận sự thành công của chúng, nhưng hẳn bạn cũng đã từng thấy mệt mỏi và nhàm khi theo dõi những bộ truyện rất dài này.

Phát triển tình tiết truyện không phải là công việc duy nhất. Nhân vật tương tác với những sự kiện trong những tình tiết, nhân vật học được từ những sự kiện cả những điều tích cực và tiêu cực. Mỗi một lỗi lầm sẽ đem đến một bài học kinh nghiệm khi nhân vật đứng dậy sau vấp ngã. Mỗi một hành động xấu thành công sẽ khiến nhân vật nghĩ đến những cách thực hiện hành động xấu tốt hơn. Những kinh nghiệm sống ấy sẽ giúp nhân vật trưởng thành, giúp nhân vật chính chắn hơn, hoặc đẩy nhân vật vào những căn bệnh tâm lý, những suy nghĩ bi quan… Theo dõi sự phát triển của một nhân vật kéo nhân vật lại gần với người đọc.

Như bộ Hikaru no Go chẳng hạn, tính cách Hikaru được khéo léo phát triển, khiến người đọc đôi khi phải bật kêu lên: ‘Không biết cậu bé đó đã lớn từ bao giờ…’

Việc cho nhân vật làm điều mà bình thường anh ta/cô ta sẽ không làm không phải là điều cấm kỵ. Đôi khi nó rất cần thiết để chuyển hướng truyện, tạo điểm bắt đầu cho một loại sự kiện tiếp theo hoặc tạo điều kiện để bẻ thay đổi tính cách nhân vật.

Sự thiếu vắng suy nghĩ logic có thể là một cách giải thích rất tốt. Khi người ta say, khi người ta bị thôi miên hoặc khi người ta đang dưới ảnh hưởng của thuốc người ta thường có xu hướng làm những điều bình thường họ sẽ không bao giờ làm. Một lời thuyết phục của người ngòai cuộc có thể khiến người ta lung lạc. Một việc day dứt trong quá khứ có thể khiến người ta vứt bỏ lí trí trong hiện tại. Giải thích hợp lý sẽ giúp người viết để nhân vật làm những việc trái với tính cách một cách an toàn.

Cũng là đoạn hội thoại trên giữa Gon và Killua, nhưng nếu Gon đã từng nhìn thấy Kurapika và Leorio bị giết thảm khốc trước mắt mình, nếu đã từng chứng kiến cả quê hương trong biển lửa, nếu phát hiện tất cả những gì người ta nghĩ về cha mình chẳng qua là một cái vỏ bọc và ông ta thực chất chỉ là một tên sát nhân máu lạnh… Well, nếu Gon đã từng trải qua tất cả những điều đó thì việc Gon vẫn nguyên vẹn là một đứa trẻ ngây thơ mới là một phép lạ thần kỳ.

Các cách thể hiện

Để xây dựng tính cách nhân vật, người ta có thể dùng một trong ba cách: dùng lời kể, miêu tả cảm xúc hoặc dùng hành động. Mỗi cách đều có ưu và nhược điểm của riêng mình. Cách dùng lời kể sẽ giúp miêu tả tính cách một cách nhẹ nhàng nhất. Nó cũng giúp người đọc có được cái nhìn bao quát nhất về tính cách nhân vật, và cũng là cách nhanh nhất để người đọc tiếp nhận những gì bạn muốn chuyển tải về nhân vật. Tuy nhiên nó không phải lúc nào cũng đi đôi với sự thú vị, và sử dụng nó quá nhiều cũng đồng nghĩa với sự nhàm chán. Cách dùng miêu tả cảm xúc khiến người đọc tiếp cận với tình cảm của nhân vật một cách trực diện nhất, từ đó dễ dàng tạo ấn tượng mạnh về cảm xúc và tính cách nhân vật. Tuy nhiên nó rất giới hạn, và có thể sẽ trở nên lạc lõng trong một câu chuyện nhiều tình tiết và không được viết ở ngôi thứ nhất, sử dụng nó quá nhiều trong một câu chuyện dài sẽ gây cảm giác mệt mỏi khi đọc. Cách dùng hành động có thể không đưa người đọc trực tiếp đến với tính cách nhân vật, và cũng rất khó viết và đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức. Tuy nhiên nó lại đảm bảo được sự thú vị, và dễ kết hợp với những phần còn lại của truyện nhất.

Dùng lời kể:

‘Đã mười năm trôi qua kể từ ngày Yuuri rời khỏi vương quốc và trở về thế giới con người. Mười năm dài dằng dặc, cũng là mười năm Wolfram day dứt trong lòng một tình yêu vô vọng. Cậu không sao quên được cậu con trai tóc đen ấy, không sao chôn vùi được những kỷ niệm mà họ đã cùng nhau trải qua. Tình cảm nồng cháy ngày nào chỉ còn lại là đống tro tàn, nhưng bên dưới, lửa vẫn không ngừng âm ỉ cháy. Có lẽ điều làm Wolfam đau đớn nhất là sự phản bội của chính trái tim mình. Cậu đã thề dù Yuuri có lựa chọn thế nào thì tình cảm của cậu cũng sẽ không thay đổi. Thế nhưng một ngọn lửa khác, một ngọn lửa lạnh như băng đang dần lớn lên theo năm tháng. Cậu hận kẻ đã phản bội Tổ quốc của mình. Cậu oán trách kẻ đã lựa chọn thế giới con người mà bỏ cậu lại đằng sau.’

Dùng cảm xúc:

‘Đau… Tại sao nỗi đau này không lành theo thời gian?

Tại sao ta vẫn nhìn thấy hình ảnh của cậu ấy hàng đêm? Tại sao quá khứ sống lại trong giấc mộng? Trái tim ta có thể chịu đựng được bao lâu nữa…

Đã mười năm rồi, mười năm dài đằng đẵng… Yuuri… Tôi sẽ không bao giờ hiểu được ngày ấy vì sao cậu lại chọn ra đi… Chỉ có một điều duy nhất mà tôi hiểu, tôi không có được dù chỉ là một khoảng trống nhỏ bé nhất trong tim cậu… Nhưng cậu đã là tất cả thế giới của tôi… Cậu vẫn là tất cả thế giới của tôi…

Nếu có thể xé trái tim phản trắc này ra khỏi lồng ngực, tôi sẽ làm vậy. Tôi sẽ sống mà không cần tới cậu. Tôi sẽ đạp lên tất cả những ký ức độc ác này…

Ta hận! Ta hận hắn! Sao hắn có thể phản bội vương quốc, phản bội quê hương hắn, phản bội thần dân của hắn?!? Sao hắn có thể bỏ rơi ta? Ta muốn hắn phải chết trong tay ta cả trăm lần, cả nghìn lần…

Yuuri… đến bao giờ cậu mới quay trở lại…?’

Dùng hành động:

‘Wolfram mở cửa vào phòng. Ánh mắt mỏi mệt nhìn quanh một cách chán chường. Những công việc cần giải quyết của vương quốc càng lúc càng đè nặng lên vai cậu và các anh. Không còn vị Maou quyền năng, biên giới vương quốc không ngừng bị tấn công, những vụ nổi loạn xảy ra ngày càng nhiều, người dân thì đang mất dần lòng tin vào hoàng tộc. Ánh mắt cậu liếc qua tấm gương lớn trên tường. Con người đang nhìn cậu kia không còn gương mặt trẻ con non nớt nữa, thay vào đó là vẻ trưởng thành.

Wolfram bước tới giá vẽ và giở tấm vải che ra. Trên khung tranh là bức vẽ phác thảo chưa được tô màu. Cậu nâng tấm bảng màu lên và cầm lấy bút lông, cố hòan thành bức vẽ đã mười năm dang dở. Ngòi bút quệt màu và đưa lại gần tranh, nhưng không sao điểm vệt màu nào lên khuông lụa trắng được vì tay cậu đang run lên. Wolfram bực tức ném cả bảng màu và bút lông ra xa. Một cái gạt tay và giá vẽ đổ rầm xuống đất, Wolfram không mệt mà vẫn thở mạnh như vừa chạy cả một ngày trời.

“Đồ phản bội!” Cậu rít lên qua kẽ răng và cúi xuống lôi khung tranh lên, định ném nó vào tường, nhưng rồi mắt cậu dịu đi, thoảng trong đó là chút gì trìu mến dịu dàng. Wolfram nhẹ nhàng nâng cái giá vẽ lên và xếp lại khung tranh. Cậu nhìn người trên bức tranh lần cuối rồi thở dài và phủ lại tấm vải che.

Nặng nề lê bước tới tủ quần áo, Wolfram mở tủ và sờ soạng tìm bộ quấn áo ngủ ưa thích của mình. Cậu sững người khi mắt dừng lại trên một tấm vải nhung được xếp ngọn ngàng. Tấm áo choàng của Maou. Run rẩy lôi tấm áo choàng ra, cậu áp mặt vào lần vải đã cũ vì năm tháng. Wolfram ôm lấy tấm vải vào ngực mình và khuỵu xuống sàn. Vai cậu rung lên, không có tiếng khóc thế mà nước mắt cứ tuôn trào.

“Yuuri…” Tiếng rên ngẹn lại nhanh chóng bị nhấn chìm trong sự câm lặng vô tâm của đêm.’

Như bạn đã thấy, mỗi cách thể hiện đều đem đến những cảm nhận khác nhau về nhân vật. Sử dụng cách thể hiện nào là phụ thuộc vào người viết, phụ thuộc vào thói quen cũng như phụ thuộc vào hòan cảnh của đoạn văn. Một đoạn văn đi sâu vào nội tâm nhân vật có thể sử dụng cảm xúc, nhưng dùng cách này không hợp lắp với một câu chuyện có cốt chuyện và không viết thuần POV hoặc ngôi thứ nhất. Trong một truyện ngắn cần xây dựng nhiều thứ khác nữa, hoặc khi cho hành động vào có thể làm loãng truyện thì nên sử dụng lời kể. Nếu là một câu chuyện dài và cốt truyện rất mạnh, phong cách không phù hợp với POV thì có thể sử dụng hành động.

Và hãy luôn nhớ rằng hành động có thể đi sâu vào tâm trạng nhân vật như dùng cảm xúc, nhưng sử dụng hành động khéo sẽ gây ấn tượng mạnh tốt hơn nhiều cả lời kể và thuần cảm xúc. Bạn không nên sử dụng độc nhất cách dùng lời kể và dùng cảm xúc đó toàn fic. Cách sử dụng hành động để miêu tả tình cảm có thể kéo dài tòan bộ truyện, nhưng hai cách trên bị giới hạn nhiều hơn nhiều. Dù sao cũng đừng ngần ngại khi sử dụng các cách kết hợp lẫn nhau. Sự đa dạng là bí quyết của thành công, và linh hoạt là điều kiện tiên quyết. Cũng có nhiều khi sử dụng kết hợp các cách thể hiện trên lại là câu trả lời tốt nhất.

Dùng kết hợp

‘Wolfram mở cửa vào phòng. Ánh mắt mỏi mệt nhìn quanh một cách chán chường. Ngày lại ngày trôi qua đều đều như trong một cơn ác mộng. Những công việc cần giải quyết của vương quốc càng lúc càng đè nặng lên vai cậu và các anh. Không còn vị Maou quyền năng, biên giới vương quốc không ngừng bị tấn công, những vụ nổi loạn xảy ra ngày càng nhiều, người dân thì đang mất dần lòng tin vào hoàng tộc. Ánh mắt cậu liếc qua tấm gương lớn trên tường. Con người đang nhìn cậu kia không còn gương mặt trẻ con non nớt nữa, thay vào đó là một vẻ trưởng thành mà cậu đã phải trả một giá quá đắt để có được. Cũng phải thôi, biết làm sao khi mà người đứng đầu vương quốc đã chọn con đường phản bội nhân dân mình.

Wolfram bước tới giá vẽ và giở tấm vải che ra. Trên khung tranh là bức vẽ phác thảo chưa được tô màu. Cậu nâng tấm bảng màu lên và cầm lấy bút lông, cố hòan thành bức vẽ đã mười năm dang dở. Ngày ấy cậu đã dồn không biết bao nhiều tình cảm của mình vào bức phác họa, khao khát muốn thể hiện trọn vẹn con người mà cậu đã lỡ để vào trái tim mình. Nhưng khi bức vẽ chưa kịp hòan thành người đó đã bước ra khỏi cuộc đời cậu mãi mãi. Ngòi bút quệt màu và đưa lại gần tranh, nhưng không sao điểm vệt màu nào lên khuông lụa trắng được vì tay cậu đang run lên. Những kỷ niệm ngày nào quật vào mặt cậu như cơn gió lốc. Wolfram bực tức ném cả bảng màu và bút lông ra xa. Trên bức tranh con người kia đang nhìn cậu nhạo báng, một khuôn mặt đáng ghét và trơ tráo. Hắn không đáng làm một Maou! Một cái gạt tay và giá vẽ đổ rầm xuống đất, Wolfram không mệt mà vẫn thở mạnh như vừa chạy cả một ngày trời. Sự óan trách và thù hận bỗng chốc bùng lên.

Ta hận! Ta hận hắn! Sao hắn có thể phản bội vương quốc, phản bội quê hương hắn, phản bội thần dân của hắn?!? Sao hắn có thể bỏ rơi ta? Ta muốn hắn phải chết trong tay ta cả trăm lần, cả nghìn lần…

Cậu cúi xuống lôi khung tranh lên, định ném nó vào tường, nhưng rồi mắt cậu dịu đi, thoảng trong đó là chút gì trìu mến dịu dàng. Wolfram nhẹ nhàng nâng cái giá vẽ lên và xếp lại khung tranh. Cậu nhìn người trên bức tranh lần cuối rồi thở dài và phủ lại tấm vải che. Chỉ là một bức tranh thôi, nhưng ký ức đè nặng lên mỗi nét vẽ làm cậu không sao nâng bút được.

Mười năm rồi, mười năm dài đằng đẵng… Mười năm quá khứ là bạn đồng hành của ta hàng đêm… Đến bao giờ ta mới có thể quên…?

Nặng nề lê bước tới tủ quần áo, Wolfram mở tủ và sờ soạng tìm bộ quấn áo ngủ ưa thích của mình. Cậu sững người khi mắt dừng lại trên một tấm vải nhung được xếp ngọn ngàng. Tấm áo choàng của Maou. Run rẩy lôi tấm áo choàng ra, cậu áp mặt vào lần vải đã cũ vì năm tháng. Cái mùi quen thuộc đã phai đi hết rồi, chỉ còn lại mùi của gỗ và bụi ẩm. Wolfram ôm lấy tấm vải vào ngực mình và khuỵu xuống sàn. Vai cậu rung lên, không có tiếng khóc thế mà nước mắt cứ tuôn trào.

“Yuuri…” Tiếng rên ngẹn lại nhanh chóng bị nhấn chìm trong sự câm lặng vô tâm của đêm.

Tôi sẽ chờ cậu mãi mãi…

Cho đến bao giờ…?’

Ngôn ngữ cử chỉ

Tính cách của một nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ cử chỉ cũng nhiều như thể hiện qua hội thoại. Trong cuộc sống, ngôn ngữ cử chỉ thường được hiểu một cách vô thức, còn trong truyện, ngôn ngữ cử chỉ cũng có thể giúp chúng ta miêu tả tính cách nhân vật mà không phải dùng đến lời kể hoặc lời văn thuần cảm xúc.

– Cử chỉ: Mỗi một tính cách đều có thể dẫn đến một cử chỉ nào đó. Và một cử chỉ sẽ cho ấn tượng về tính cách. Liên tục đổi chân có thể thể hiện một người căng thẳng. Khoanh tay trước ngực có thể thể hiện bản tính luôn đề phòng. Dụi mắt tạo cảm giác nhân vật mệt mỏi. Gõ ngón tay xuống bàn có thể thể hiện nhân vật đang lo lắng, hoặc phát chán với những điều đang được nghe.

– Dáng: Dáng đứng, ngồi, và cả nằm cũng đem lại thông tin quan trọng. Một người nằm ngủ co quắp lại có thể thể hiện sự không cân bằng trong cuộc sống. Ngồi vắt chân có thể thể hiện sự tự tin. Ngồi thu mình lại có thể thể hiện một con người nhút nhát hoặc kín đáo…

Để viết tốt về vấn đề này, trước tiên người viết phải thông hiểu về ngôn ngữ cử chỉ. Để thu thập kinh nghiệm về điều này người viết nên tích cực quan sát những người xung quanh mình, đồng thời nên tìm hiểu thêm và làm các bài trắc nghiệm về vấn đề đó.

Tên âu yếm:

Nếu một nhân vật chưa bao giờ gọi một nhân vật khác trong truyện nguyên bản bằng cái tên âu yếm thì nhân vật đó rất khó có thể sẽ gọi ai đó bằng cái tên âu yếm trong fic của bạn. Trừ phi bạn đang viết fic hài, dĩ nhiên. Bạn có thể ghép Machi và Kuroro (HxH) lại với nhau, nhưng nếu bạn để cho Kuroro gọi Machi là “Cưng” hoặc Machi gọi Kuroro là “anh yêu dấu” thì chẳng mấy chốc mà đôi này sẽ tan vỡ sớm!

Sử dụng quá mức các thái độ cảm xúc:

Mỗi một nhân vật trong truyện chính, hoặc mỗi nhân vật do bạn tự tạo đều có giới hạn biểu lộ cảm xúc của mình, bạn cần để ý tới giới hạn đó. Nếu bạn định phá vỡ giới hạn đó thì bạn cần tìm ra cách biện hộ hợp lý. Một ví dụ điển hình nhất cho lỗi này là để nhân vật khóc lóc một cách quá đáng, nhất là đối với các nhân vật nam. Thử nghĩ xem, liệu một nhân vật nam, nhất là những nhân vật nam lạnh lùng, tàn nhẫn như Hiei, như Hisoka, như Vegeta liệu có khóc lóc vì một điều gì đó, dù là rất lớn hay không? Đối với Vegeta, có lẽ ngay cả khi Bulma hay Trunk chết nhân vật này cũng sẽ không khóc. Ấy thế mà lại có fic cho nhân vật này khóc như mưa chỉ vì Son Goku từ chối đến một bữa tiệc mà gia đình anh ta tổ chức! Không phải là bạn không thể cho nhân vật nam khóc, mà điều quan trọng là bạn cần thể hiện điều đó một cách hợp lý.

“Một giọt nước mắt lăn trên má Hiei và rớt xuống thành viên ngọc lệ” thì được, thậm chí nếu để vài viên ngọc lệ nối tiếp viên ngọc lệ đầu tiên cũng vẫn được nếu bạn viết khéo, nhưng “Hiei chan chứa nước mắt và gào khóc” thì… câu chuyện của bạn rất dễ biến thành truyện cười! (Trừ phi hài hước chính là thứ bạn đang muốn viết ^^ )

Cũng cần biết rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể viết “Hiei khóc đến khản cả giọng” nếu bạn khéo biến nó thành một điều hợp lý. Tôi đã đọc một fic để cho Vegeta khóc rất nhiều với cách viết như sau: “Dù cố nén lại nhưng những giọt nước mắt vẫn kéo nhau dâng lên. Mọi sự tự kiềm chế anh nâng niu đã bao lâu đều vỡ nát. Cảm xúc này quá mạnh để lòng kiêu hãnh có thể dìm nó xuống sâu trong lòng. Những giọt nước mắt đầu tiên… có lẽ người đàn ông trong anh đang khóc những giọt nước mắt mà đứa trẻ ngày xưa đã tự từ chối mình… Những giọt nước mắt đã dồn lại qua chừng ấy năm để rồi bây giờ trào dâng không thể nào ngăn nổi…” Thực sự, fic đó lại rất cảm động, và rất thật.

Một số lời khuyên

+ Những truyện ngắn không nên có nhiều hơn 3 nhân vật chính. Nhiều hơn và độc giả có thể sẽ thấy khó theo dõi, và bạn cũng khó đi sâu vào tính cách tất cả nhân vật.

+ Hãy xác định nhân vật mà bạn muốn độc giả thích (hoặc ghét). Những nhân vật này cần được phát triển ngay từ giai đoạn đầu của câu chuyện.

+ Hãy tạo background cho nhân vật chính dù chỉ trong chuyện ngắn. Anh ta sinh ra ở đâu, anh ta lớn lên ở đâu, anh ta trông như thế nào, tính cách anh ta như thế nào, sở thích là gì, thói quen ra sao, điểm nổi bật nhất trong tính cách là gì, điểm yếu và điểm mạnh là gì? Hãy viết chúng ta một cách ngắn gọn vào đâu đó độc lập với truyện. Có thể bạn sẽ không đưa tất cả những điều này vào truyện, nhưng xác định đuợc chúng sẽ giúp bạn hiểu rõ về nhân vật hơn, và có một hướng đi rõ rệt hơn để giữ đúng tính cách nhân vật. Đối với nhân vật của fanfict bạn nên lập background này cho tất cả các nhân vật xuất hiện trong truyện dù chỉ là nhân vật phụ để tránh vi phạm tính cách nhân vật đã có sẵn.

+ Để ý tới những người xung quanh bạn để xem cách ăn mặc, hình dáng, hành động của họ như thế nào. Nếu bạn có thể hình dung được từng loại người rõ ràng trong đầu, việc miêu tả hành động và hình dáng của nhân vật sẽ trở nên dễ dàng hơn.

+ Để xây dựng đúng tính cách nhân vật, hãy thử tưởng tượng nhân vật đó đang “diễn” trong truyện của bạn. Hãy thử “nghe” những lời thoại nhân vật nói. Nếu lời thoại tỏ ra gượng gạo thì rất có thể bạn đã xây dựng tính cách nhân vật sai. Bạn cũng có thể thử thay thế tất cả tên nhân vật trong truyện thành một hai cái tên bất kỳ nào đó thử xem. Nếu bạn đọc câu chuyện mà vẫn hiểu, vẫn cảm thấy bình thường và chẳng có gì bất bình thường trong câu chuyện mới đã thay tên này cả thì khả năng bạn đã không diễn tả đúng tính cách nhân vật là rất cao.

+ Nếu bạn định viết về một nhân vật nguyên bản, hãy tìm những CHARACTER QUIZ về truyện nguyên bản trên mạng và làm thử quiz đó. Hãy trả lời những câu hỏi theo cách mà bạn nghĩ nhân vật bạn chọn sẽ trả lời và xem kết quả cuối cùng có ra nhân vật đó không. Làm nhiều QUIZ tương tự. Nếu 2/3 trong số đó ra sai kết quả thì cũng có nghĩa là cách hiểu của bạn về nhân vật đã có vấn đề. Hãy đọc lại truyện nguyên bản và xác định lại tính cách nhân vật.

+ Nhân vật cần có một hoặc hai đặc điểm chính trong tính cách. Đặc điểm chính trong tính cách là điều sẽ làm người đọc có ấn tượng về nhân vật. Đặc điểm chính có thể là cả xấu lẫn tốt, nhưng nó cần được thể hiện nổi bật so với các đặc điểm khác. Và các đặc điểm khác có thể mâu thuẫn nhau, nhưng không nên mâu thuẫn với đặc điểm chính.

+ Những đặc điểm chính của nhân vật không nhất thiết là phải thể hiện bằng những hành động to tát. Một vài hành động nhỏ đây đó sẽ có tác dụng mạnh hơn.

+ Nỗi sợ hãi cũng ảnh hưởng nhiều đến cách một người sử xự. Ai cũng sợ một điều gì đó, và nỗi sợ này có thể được dùng để phát triển cả tính cách và tình huống rất tốt.

+ Khi một tính cách được đẩy lên quá mức, nó dễ trở thành một căn bệnh tâm lý. Nếu bạn định viết theo hướng này thì hãy tìm hiểu kỹ những triệu chứng trước khi viết. Có thể bạn sẽ khó tìm thấy tài liệu bằng tiếng Việt. Nếu tìm tiếng Anh thì hãy dùng từ khóa: ‘Personality Disorder’.

Nhân vật phụ

+ Hãy đảm bảo mỗi nhân vật đều có vai trò nhất định trong câu chuyện. Đừng cho thêm một nhân vật chỉ để lấp đầy truyện.

+ Đối với các nhân vật phụ, có một mẹo xác định nhanh tính cách là sử dụng bảng tính cách của các cung hoàng đạo hoặc 12 con giáp, hoặc kết hợp cả hai. Hãy tìm cho mình một bản giải mã tính cách theo cung hoàng đạo thật chi tiết, hoặc tự tổng hợp lấy bảng đó. Mỗi khi cần xây dựng nhanh tính cách một nhân vật phụ, hãy đặt cho nhân vật phụ một cung hoàng dạo, rồi xác định tính cách dựa trên tính cách của cung hoàng đạo.

+ Nếu trong fic của bạn có quá nhiều nhân vật thì bạn nên cân nhắc lại vai trò của các nhân vật trong fic. Nhiều nhân vật thường gây rối truyện nhiều hơn là phát triển truyện, và không phải người viết nào cũng có khả năng xử lý quá nhiều nhân vật cùng lúc. Hãy thử hỏi xem nhân vật có thật sự quan trọng với fic không. Nhân vật có đóng góp vào xây dựng tình tiết truyện hoặc làm điểm nhấn cho nhân vật chính không? Nếu có thì vai trò của nhân vật này liệu có thể giao cho một nhân vật khác trong fic không? Đừng đưa nhiều nhân vật vào fic chỉ để thực hiện một nhiệm vụ nhỏ, rồi lại đi ra khỏi fic và mất hút.

Tên nhân vật

Sử dụng

Một điều bạn cần chú ý khi sử dụng tên nhân vật đó là tính đồng nhất của nó trong suy nghĩ của một nhân vật. Khi bạn viết một fic dựa trên cách nhìn của một nhân vật, thì bạn cần nhớ là cách xưng hô của nhân vật đó với các nhân vật khác nói chung thường là cố định và không nên tự dưng thay đổi. Điều này cũng đúng với cách nhân vật nghĩ về chính mình. Nếu ngay từ đầu bạn viết dựa trên cách nhìn của Hikaru từ đầu thì đến cuối, bạn không nên thay thế ‘Hikaru’ bằng ‘Shindou’. Và nếu ban đầu bạn dùng ‘Touya’ để nói về Akira thì đừng dùng ‘Akira’ ở đoạn cuối, trừ phi bạn có nói tới việc Hikaru chuyển dần sang cách gọi ‘Akira’.

Tuy vậy không có nghĩa là thỉnh thoảng bạn thay đổi cách xưng hô chỉ ở một vài chỗ thì không được, bởi trong một số ngôn ngữ khác, gọi bằng họ hay bằng tên thể hiện thái độ, tình trạng mối quan hệ giữa hai người. Cũng có nghĩa là hãy chỉ thay đổi cách gọi tên khi tình cảm thể hiện trong fic thay đổi chứ không phải vì bạn đã sử dụng quá nhiều cái tên đó và bạn cảm thấy cần thay đổi. Khi Hikaru vẫn thân thiết với Akira thì không có lý gì ở nửa cuối của truyện, Hikaru chỉ tòan gọi Akira là “Touya”, nhưng trong một vài cảnh Hikaru đang rất giận Akira thì bạn lại hoàn toàn nên để Hikaru nghĩ về/gọi Akira là “Touya”. Chỉ có điều, khi Hikaru hết giận thì hãy quay lại cách gọi “Akira”.

Cũng giống như từ “nói”, tên nhân vật cũng trở nên vô hình. Một người đọc, khi đã thích một fiction, và khi đã thích một nhân vật của fan fiction, thì không hề cảm thấy phiền lòng khi tên nhân vật được nhắc đi nhắc lại. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ sử dụng tên nhân vật thì fic của bạn sẽ dễ trở nên buồn chán, hoặc đơn giản chỉ là đọc lên rất gượng.

‘Kurapika đang ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời đêm. Đôi mắt xanh của Kurapika ánh lên dưới ánh trăng huyền ảo. Leorio và Gon đã rời khỏi đây được một giờ rồi. Kurapika lo lắng nhìn đồng hồ, hy vọng Leorio và Gon sẽ trở về an toàn. Kurapika không bao giờ muốn có chuyện gì sẽ xảy đến với Leorio và Gon.’

Đoạn văn trên nếu từ Kurapika khéo léo được chuyển thành ‘cậu ấy’ v.v… thì sẽ hay hơn.

Tên nhân vật thường được thay thế bằng những từ miêu tả như: “người con trai cao lớn, cậu bé, cô gái tóc đen, bác sĩ…” Sử dụng hợp lý cả tên và tên thay thế để tránh lặp lại quá nhiều lần một cái tên trong một câu văn sẽ khiến đoạn văn thêm sinh động. Lạm dụng chúng cho dù là tên hay tên thay thế sẽ khiến đoạn văn khó hiểu. Có những cảnh chỉ có 2 người nói mà đến như 4,5 người nói.

Đoạn văn dưới đây còn kinh dị hơn:

‘Người con trai của ông thợ mộc gằn giọng. “Mày sẽ chết vì những gì mày đã làm với gia đình tao.”

Vị bác sĩ lùi lại sợ hãi. “Không phải là tôi. Anh hiểu nhầm rồi.”

Chàng trai tóc đen bước tới gần kẻ phản bội. “Tao sao có thể nhầm kẻ tử thù của mình kia chứ? Chuẩn bị đền tội đi.”

“Không, không, xin hãy tha cho tôi.” Người đàn ông trung niên kinh hoàng nhìn khẩu súng trên tay viên cảnh sát.’

Đoạn văn này có thể viết về hai nhân vật, người con trai tóc đen của ông thợ mộc sau này lớn lên thành cảnh sát, và viên bác sĩ trung niên bị nghĩ là kẻ phản bội. Nhưng người đọc sẽ tự hỏi: “Có bao nhiêu người đang nói đây?”

Trong một câu chuyện, thường đối với một nhân vật cần thêm ít nhất là một từ thay thế cho tên ngoài đại từ nhân xưng anh ấy, cô ấy, nó… Tốt nhất là hãy chọn một và bám vào nó. Đừng dùng quá nhiều. Thỉnh thoảng, người viết có thể cần đến một đại từ thay thế tên thứ hai, nhưng chúng chỉ nên dùng chung chung như cô bé, người đàn ông già. Sử dụng quá nhiều từ thay thế tên cho một người sẽ dẫn tới khó hiểu ai là ai. Ngược lại, trong những cảnh có nhiều người, nếu bạn sử dụng tòan bộ là tên thay thế mà không dùng tên thì người đọc cũng sẽ khó phân biệt được người nào là người nào.

Đặc biệt khi viết truyện bằng tiếng Anh, tránh viết kiểu:

‘He grabbed the front of his shirt and slammed him to the wall. He struggled wildly, trying to escape the iron grip but he slapped him hard.’

Ấn tượng của người đọc khi thấy đoạn này sẽ là: who grabbed the front of whose shirt and slammed whom to the wall? Who slapped whom hard?

Các tên thay thế này cần được sử dụng cẩn thận, nhất là nếu như chúng là các chức vụ, hoặc các từ chỉ nghề nghiệp như “viên sĩ quan”, “bác sĩ”, “người trợ giảng” v.v… Nếu bạn đang viết một cảnh thân mật thì hãy dùng chúng càng ít càng tốt. Những từ chỉ chức vụ hoặc nghề nghiệp rất dễ làm mất đi tính thân mật trong đoạn văn bạn viết. Đồng thời nếu bạn viết duới góc nhìn của một người thì hãy tránh dùng chức danh hết mức có thể. Akira có thể được coi là viên ngọc của giới cờ vây, nhưng sẽ chẳng bao giờ Akira tự nói về mình là viên ngọc của giới cờ vây.

Đặt tên nhân vật

Trong một câu chuyện, sự lặp tên một cách thừa thãi cũng là điều nên tránh. Nếu bạn viết về Harry và (for the sake of my article) Cho Chang thì đừng tạo nên một nhân vật phụ trong truyện có tên là Harry. Dĩ nhiên là trừ phi bạn cố tình dùng sự nhầm lẫn về tên như là một phần của câu chuyện. Nếu không độc giả sẽ lại quay ngang quay dọc tự hỏi xem ai là Harry đang cặp với (sigh) Cho Chang.

Nếu bạn không nghĩ ra tên cho nhân vật của mình? Lạy Chúa, hãy cố mà ngồi nghĩ cho bằng ra cái tên nào đó, chứ đừng bao giờ đặt là Ngài — chỉ vì bạn không nghĩ ra tên. Khi đọc fic trên mạng đã có vài lần tôi đọc thấy những fic như thế, và phản ứng của tôi luôn là sốc, sốc và sốc o___O Sau đó là bực mình và quẳng câu chuyện đó đi.

Đừng đặt tên cho nhân vật phụ, nhân vật chỉ xuất hiện trong một cảnh… trừ phi nó cần thiết cho câu chuyện. Điều này không phải là tuyệt đối và thường đúng ở những truyện ngắn khi mà độ dài của truyện không cho phép bạn phát triển nhân vật chính đủ nhiều chứ đừng nói là nhân vật phụ.

Đối với tên nhân vật do bạn tự đặt, nếu là tiếng nước ngòai thì cố gắng đừng nghĩ ra những cái tên vô cùng đặc biệt, vô cùng khó đọc. Để một nhân vật thu hút được sự chú ý của người đọc thì cái mà bạn cần là phát triển nhân vật đó chứ không phải là phát triển cái tên. Mỗi khi người đọc đọc tới tên nhân vật họ sẽ gọi thầm tên  nhân vật một cách vô thức trong đầu. Và khi người đọc không thể phát âm được cái tên của nhân vật thì mạch truyện sẽ bị đứt khi họ phải phân vân không biết nên đặt tên nhân vật như thế nào. Chẳng mấy chốc người đọc sẽ nhanh chóng phát ngấy nhân vật đó. Kể cả nếu như họ không phát chán họ cũng khó có thể kể cho người khác về câu chuyện mà họ không đọc nổi tên nhân vât.

Tuy nhiên một cái tên cũng có thể là một công cụ hữu hiệu nếu bạn biết cách khai thác nó. Cái tên có thể có một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa này thường sẽ làm độc giả thấy thú vị nếu nó phù hợp với tính cách, hoặc một đặc điểm nào đó của nhân vật. Sự trùng hợp không nên quá lộ liễu nếu tên không phải là tên biệt hiệu, nếu là tên thật thì nó nên trệch đi như là ý nghĩa đó trong tiếng Latin, hoặc ngôn ngữ cổ. Tên nhân vật nên được lựa chọn kỹ lưỡng, vì bản thân chính cái tên đó và cách mà nó được gọi cũng sẽ góp phần tạo cảm hứng cho bạn khi viết.

1 thoughts on “Xây dựng nhân vật”

  1. Hay quá! Em đang viết truyện và bí phần xây dựng nhân vật. Cám ơn anh (chị)!

Bình luận về bài viết này